Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ 4 PHẨM CHẤT ĐẠO ĐỨC TỐT ĐẸP CỦA NGƯỜ PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA VÀ NAY.




Từ xưa đến nay, những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam là chính là tứ đức: “Công-dung-ngôn-hạnh”, đây là những phẩm chất đạo đức mà theo bản thân tôi nghĩ nó vẫn mãi mãi là 4 phẩm chất tốt đẹp  mà mỗi một người phụ nữ Việt Nam dù là truyền thống hay hiện đại đều cũng phải biết giữ gìn và phát huy, nếu xa rời nó sẽ không còn là một người phụ nữ Việt nam đoan chính và có phẩm chất đạo đức cao đẹp nữa.
-Công: đối với phụ nữ ngày xưa có nghĩa là   tinh thần lao động tận tụy, là làm tốt nhiệm vụ bếp núc, sinh con đẻ cái, chăm lo phục vụ cho  chồng con, bố mẹ chồng…
-Dung: là nói về dáng vẻ bên ngoài của người phụ nữ, từ vẻ đẹp bên ngoài cho đến nét đẹp của tâm hồn. người phụ nữ phải biết tạo cho mình vẻ đẹp bên ngoài như vóc dáng, ăn mặc, dáng đi, tướng đứng và cả cách ăn, nết ở. 
-Ngôn: là lời nói, đây là một đức tính luôn song hành với Dung, người phụ nữ đẹp còn là người phụ nữ biết nói những lời dịu dàng, lễ phép. Một người phụ nữ dù có tài giỏi đến đâu, nhan sắc đến đâu, giàu có đến bao nhiêu mà lúc nào cũng chanh chua, đanh đá, thì cũng không thể nào được xem là người phụ nữ xinh đẹp trong mắt của mọi người. Thế cho nên, Ông bà ta có câu “Chim khôn kếu tiếng rãnh rang, người không nói tiếng dịu dàng dễ nghe”  là thế.
-Lại nói về Hạnh: có nghĩa là đức hạnh, làm phẩm hạnh của người phụ nữ. Đây là một trong những  đức tính quan trọng của người phụ nữ mà nếu thiếu nó, người phụ nữ không thể được xem là người phụ nữ đẹp, người phụ nữ dù  còn chưa hoàn thiện về những đức tính khác nhưng nếu có phẩm hạnh thì vẫn được xem là người phụ nữ đẹp.
Ngày nay, chữ công của người phụ nữ được quan niệm tiến bộ hơn, người phụ nữ ngày nay họ không chỉ lao động tận tụy  ở phạm vi bếp núc, chăm lo cho chồng con, xây dựng tổ ấm của mình mà còn vươn ra xã hội, tham gia vào các công việc mà ngày xưa chỉ có nam giới  mới có thể làm. Đặc biệt là trong thời kỳ CNH-HĐH nó được thể hiện ở  đức tính “Tự Tin”, người phụ nữ  “tự tin” là người phải sẵn sàng vượt ra khỏi định kiến giới, dám nghĩ, dám làm, tin vào khả năng thành công của mình. Bên cạnh sự tự tin ấy, người phụ nữ còn đòi hỏi phải “đảm đang”, giỏi việc nước đảm việc nhà, hài hoà bổn phận, trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội. Đồng thời, phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt nam thời hiện đại cũng không thể xa rời hai đức tính “Tự trọng” và “ Trung Hậu”.
Tự trọng: là phẩm chất cốt lõi của con người nhất là trong tình hình hiện nay. Nó cũng chính là chữ “Hạnh”  trong tứ đức của người phụ nữ truyền thống, Một người phụ nữ   mà không còn biết xấu hổ khi làm một điều xấu có ảnh hưởng đến người khác, đến xã hội, cộng đồng; hoặc thậm chí ảnh hưởng đến ngay chính bản thân, gia đình mình thì đúng là một người phụ nữ đáng sợ và đáng chê trách biết bao. Đó chính là họ  đã đánh mất đi lòng tự trọng
         Để xây dựng cho mình phẩm chất  Tự trọng, trước hết phải có ý thức tự tôn trọng ngay chính nhân cách của bản  thân mình. Từ đó, mới có sự tôn trọng xã hội, tôn trọng người khác; và cao hơn nữa là sự tôn trọng, chấp hành pháp luật. Và khi  điều đó được ăn sâu vào trong suy nghĩ, cách ứng xử của mọi người thì nó sẽ trở thành nền tảng văn hóa, đạo đức của  xã hội.
        Bên cạnh đó, một đức tính cũng không kém phần quan trọng tạo nên 4 phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ  đó là “Trung Hậu”.
“Trung Hậu”: là sự thủy chung, son sắc; sống có nghĩa, có tình; nhân ái vị tha, bao dung. Thủy chung ở đây còn hiểu theo nghĩa rộng đó là lòng yêu nước, yêu nhân dân; thủy chung trong các mối quan hệ gia đình và xã hội; trong tình bạn, tình yêu, tình vợ chồng, tình đồng chí, đồng nghiệp....
Xã hội chúng ta hiện nay, cùng với sự giao lưu văn hóa, chúng ta đã tiếp thu và phát triển hơn nét văn hóa truyền thống của dân tộc, người phụ nữ cũng đã  vượt qua được khá nhiều định  kiến của xã hội như trọng nam khinh nữ, cũng đã vượt qua được sự ràng buộc bó hẹp của khuôn khổ đạo đức phong kiến, khỏi đạo “Tam Tùng- Tứ đức”, cũng đã chứng minh được khả năng thực thụ của mình. Nhưng cũng cần phải hiểu thật chính xác và đúng đắn nội dung của 4 phẩm chất  đạo đức của phụ nữ  Việt nam trong thời kỳ CNH-HĐH  nó không khác gì tứ đức của ngày xưa, phải xem tứ đức ngày xưa vẫn là cái cốt lõi, cái cao đẹp mà người phụ nữ tiến bộ hôm nay phải biết giữ gìn và và phát huy đúng hướng, để phát triển nó ngày càng hoàn thiện hơn, tốt đẹp hơn. Chúng ta đấu tranh đòi quyền bình đẳng giới là để chị em có nhiều cơ hội hơn thể hiện và cống hiến tài năng của mình, là để nam giới hiểu, trân trọng và biết chia sẻ những nỗi vất vả mà bao đời nay người phụ nữ thấp cổ bé miệng phải cam chịu, để rồi mọi người nhất là trong gia đình nhỏ bé của mình, cùng thông cảm sẻ chia, cùng hướng về mục tiêu xây dựng một gia đình “Bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, để xây dựng một xã hội thật sự văn minh, tiến bộ chứ không phải giải phóng phụ nữ để họ tự do tùy tiện, sống buông thả, bất chấp luân thường đạo lý, chà đạp chồng con, ( Nhất là đối với những gia đình  người vợ thành đạt hơn chồng trong các công việc và vị trí xã hội), ngang nhiên phản bội chồng, bỏ mặc con thơ để chạy theo những đam mê dục vọng thấp hèn.
Tôi từng chứng kiến về một chị phụ nữ , có chồng và 3 con, không may, anh ấy bị mắc bệnh tâm thần, gia đình đã cố sức chạy chữa những anh không khỏi, bệnh càng ngày càng trầm trọng hơn, không làm chủ hành vi của mình, anh đánh đập vợ thật đến khổ, bố mẹ vợ không cam lòng buộc chị phải  từ bỏ người chồng ấy để về sống cùng bố mẹ trong giàu sang nhung lụa, nhưng chị đã khóc lóc van xin bố mẹ mình và nói: “mong bố mẹ thứ tha, con không thể bỏ chồng con vì anh ấy không có lỗi, khi mạnh khỏe anh đã là người chồng tốt, vợ chồng đầm ấm, nay khi anh ấy bệnh nặng  thế này, nếu con rời bỏ thì hóa ra con là người phụ nữ có tội bất trung, bỏ rơi chồng mình trong hoàn cảnh đáng thương, con không làm được, sau này các con của con cũng bị người đời khinh rẻ vì có một người mẹ chẳng ra gì”. Chứng kiến việc này, tôi không khỏi xúc động rơi nước mắt và suy nghĩ thật nhiều, tôi thầm kính phục người phụ nữ nghèo, ít học mà biết xem trọng phẩm chất đạo đức của người phụ nữ.  Một bài học đáng để mọi người suy ngẫm.
Nhưng cũng từng chứng kiến cảnh, một người phụ nữ trẻ, thành đạt, có công việc ổn định, có vị trí xã hội tương đối tốt, có lẽ với địa vị ấy chị ta sẽ được nhiều người nể phục. Gia đình chị  có 2 con (1 trai 1 gái), chồng cũng có công việc hẳn hoi tuy nhiên, anh chỉ là  nhân  viên bình thường của một đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, anh trông cũng khá bảnh trai, gia đình không thuộc hạng thiếu thốn về tiền bạc. Thế nhưng, chị lại không hài lòng với hạnh phúc hiện tại của mình, đam mê vô lối, sống buông thả, nhiều lần làm việc có lỗi với chồng với con, thậm chí mang cả điều kiện vật chất ra để đổi lấy việc người tình chấp nhận tiếp tục quan hệ với mình, tìm mọi cách để bỏ chồng bỏ con chạy theo một người đàn ông khác (bất chấp cả chênh lệch tuổi tác) chỉ vì họ có vẻ đẹp trai, ngọt ngào, ăn nói có duyên và (……),  trong khi  2 con vẫn còn quá nhỏ.
Cũng là hai người phụ nữ giống nhau, một người ít học nghèo nàn, một người có kiến thức, có vị trí xã hội, có tiền lại có hành vi ứng xử hoàn tàn trái ngược nhau… thế mới thấy chữ Hạnh  trong tứ đức  ngày xưa và  phẩm chất Trung Hậu của phụ nữ ngày nay là vô cùng quan trọng, và nó  mang tính chất chi phối  cả những phẩm chất còn lại của Tứ đức xưa và nay.
Nhân ngày quốc tế Phụ nữ 8/3, ngày đặc biệt ý nghĩa bởi cuộc đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho phụ nữ, ngày mà từ đó những người phụ nữ trên thế giới này dần dần được giải phóng và tiến bộ hơn (trong đó có cả bản thân tôi, một người đã từng dám vượt qua định kiến xã hội khi bước chân vào tham gia các hoạt động xã hội ở thời điểm mà số chị em phụ nữ  tham gia công tác xã hội chỉ có thể đếm chưa hết trên đầu ngón tay trên phạm vi của một địa phương).  Xin được chia sẻ những băn khoăn của mình xung quanh phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam xưa và nay, mong mọi người  cùng luận bàn, chia sẻ và góp ý kiến. Nếu có vô tình xúc phạm đến ai đó, tác giả bài viết cũng xin  thành thật mong  hãy bỏ qua và  xin  cùng suy ngẫm về vấn đề này.
Mong rằng, ý nghĩa của ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 vẫn mãi mãi trường tồn và được chúng ta phát triển đúng hướng. Xin được mượn một lời dân ca của một tác giả nào đó (Mình không biết tên) để kết thúc bài viết này:                  
LÝ TƯƠNG PHÙNG :
Hôm nay phụ nữ quê mình, 
Ghi tên vàng khúc ca sử xanh, sáng ngời trái tim nhân ái
Xứng danh nữ hào, ngày nay đâu kém nam nhi
Vẫn luôn một lòng, tự tin, dồi trau phẩm chất
Thủy chung, cần cù, vị tha, trung hậu, đảm đang.


N.N.Song Anh (7/3/2015)